18 Tháng Một, 2021
Một trong những đặc ân mà thượng đế ban tặng cho loài người đó là sức sáng tạo và quả thật nhờ có vũ khí lợi hại này mà cuộc đấu tranh sinh tồn dù diễn ra trong hoàn cảnh khó khăn nào đi nữa, con người vẫn thích nghi và phát triển – Trí tuệ, mà sản phẩm của nó là sự sáng tạo đã biến đổi thế giới rộng lớn này ngày càng trở nên nhỏ hẹp hơn xét về mặt không gian, làm thay đổi nhu cầu do đó làm thay đổi về chất của các mối quan hệ khi xét về mặt lợi ích. Giờ đây, thật khó mà hình dung được thế giới sẽ được định hình ra sao trong 10 hoặc 20 năm sau, khi mà mọi dự đoán đều cẩn thận với các kịch bản bắt đầu bằng cụm từ “Giả định rằng…”

Cơ chế của Sáng Tạo

Rất dễ nhận biết mọi hoạt động tư duy, cảm xúc, trí nhớ, vận động … đều do một bộ phận của cơ thể (nặng 03 pounds gồm 03 phần) điều khiển – đó là bộ não, tuy với trọng lượng vô cùng khiêm tốn như thế, nhưng bộ não lại tiêu tốn năng lượng hơn hẳn bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, nó hấp thụ hết 1/5 lượng thức ăn mà ta tiêu thụ để nuôi sống khoảng 100 tỷ neuron thần kinh. Với mức độ quan trọng như vậy và trong 2 triệu rưỡi năm tiến hóa, con người luôn ý thức phải đầu tư cho nó, chính vì lẽ đó mà chúng ta trở nên khác biệt, hay nói khác đi cùng một vấn đề nhưng mỗi cá nhân lại có cách nhận thức khác nhau, tư duy khác nhau, hành vi khác nhau và do đó giải quyết vấn đề khác nhau.

Khi bàn về sự sáng tạo, người ta tìm thấy hoạt động sáng tạo nằm trong bản năng của con người, chính những mơ ước, hoài bão, nhu cầu hưởng thụ… là những động lực thúc đẩy sức sáng tạo, mặt khác sự rèn luyện, các yếu tố giáo dục, môi trường làm việc và kể cả các tác động của hoàn cảnh khó khăn buộc chúng ta phải sáng tạo. Khi tiếp nhận thông tin, các neuron thần kinh được kích hoạt và liên kết với nhau tạo mạng liên kết hay nhiều mạng liên kết để hình thành quá trình tư duy, bao gồm tiếp nhận, tổng hợp, đánh giá, sàng lọc… và đưa ra nhận định. Càng nhiều mạng liên kết của neuron thần kinh tập trung ở khu vực nào đấy của não bộ, chúng ta càng nhạy bén, phản xạ nhanh và có khả năng hay năng khiếu trong lĩnh vực đó, ví dụ bán cầu não trái thực hiện các chức năng về ngôn ngữ, toán học, logic, tổ chức, chi tiết, phương pháp… Bán cầu não phải thực hiện các chức năng về hình ảnh, cảm nhận, mỹ thuật, âm nhạc, sáng tạo, mơ mộng và không có khái niệm giới hạn thời gian….

Như vậy hoạt động sáng  tạo luôn song hành cùng với hoạt động của não bộ. Trong nghiên cứu khoa học, các đề tài nghiên cứu bắt nguồn từ những ý tưởng nghiên cứu đôi khi chỉ do trực giác, chợt nghĩ ra, bất chợt nhìn thấy, qua quan sát… khái niệm này gọi là cơ chế trực giác. Một cơ chế khác nữa của sáng tạo đó là cơ chế động lực, đó là khi người ta phải đối mặt với áp lực sống còn, môi trường khắc nghiệt, giải pháp chưa thỏa đáng hay những câu hỏi chưa có lời giải…Và cuộc sống thì luôn ẩn chứa bí mật, mâu thuẫn như thách đố, đe dọa trí tuệ loài người.

Giá trị vật chất của Sáng Tạo

Nhà kinh tế học người Anh Thomas Masthus (1834) lý luận rằng dân số luôn gia tăng nhưng đất đai và đặc biệt là độ phì nhiêu của nó chỉ có hạn do vậy, đến một mức độ nào đó loài người sẽ phải giải quyết bài toán  cực kỳ nan giải về sự thiếu hụt lương thực. Tuy nhiên, lý thuyết này đến nay đã được chứng minh là sai bởi sự sáng tạo và phát triển trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho thấy rằng, tốc độ tăng năng suất sản xuất luôn cao hơn hẳn nhu cầu thực phẩm khi dân số gia tăng. Điển hình nhất là ví dụ về sản xuất lúa gạo của nước ta. Trong những năm 70 của thế kỷ trước, mô hình hợp tác xã sản xuất nông nghiệp với ý tưởng biến sở hữu đất đai và tư liệu sản xuất của cá nhân thành sở hữu tập thể, thành quả lao động được phân phối theo ngày công lao động tính bằng công điểm… lý luận là thế, nhưng kết quả xem ra không như mong muốn, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói, bởi cơ chế sản xuất này bóp chết sự sáng tạo của mỗi chủ thể và tư duy, hành vi của con người hoàn toàn không cứng ngắc, không thể áp đặt. Sau này, “Khoán 10” ra đời nhằm trả lại ruộng đất cho nông dân để họ hoàn toàn làm chủ trên mảnh đất của họ, tự do canh tác và sự năng động khiến năng suất không ngừng tăng lên, từ thiếu thốn lương thực, Việt Nam vươn lên ngôi vị dẫn đầu xuất khẩu gạo trên thế giới. Thế nên,  khả năng tư duy chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường cởi mở, tính sáng tạo phải được nuôi dưỡng bằng động lực và tinh thần đổi mới chứ không thể gò bó mà có. “Bài ca năm tấn” năm xưa được một thời vinh danh, nay chỉ còn là quá khứ hào hùng vì nếu năng suất chỉ có 5 tấn/ha thì đất nước với dân số 90 triệu người này cầm chắc là cái đói chứ đừng nói đến xuất khẩu.

  Nền tảng phát triển của một quốc gia không hoàn toàn chỉ dựa trên tài nguyên thiên nhiên của nước đó, vì phúc-họa khó lường, ví như người dân ở các nước giàu có nhờ dầu mỏ tại khu vực Trung đông chắc gì  đã hạnh phúc? bởi nơi đây luôn có nội chiến và là thùng thuốc súng sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào.

Nhìn từ góc độ vi mô, quan điểm quản trị hiện đại ngày nay, xem chi phí đào tạo là một khoản đầu tư, công nghệ sản xuất, bằng phát minh sáng chế hay thương hiệu được xem như là tài sản rất có giá trị của tổ chức. Do đó, đánh giá sự phát triển của một doanh nghiệp có bền vững hay không, không chỉ phụ thuộc vào nguồn vốn chủ sở hữu mà còn thể hiện ở triết lý kinh doanh, văn hóa tổ chức và xác định sứ mạng mà nó tồn tại.

Một ví dụ đầy trắc ẩn và cũng rất ngậm ngùi khi đem so sánh doanh thu của chỉ riêng tập đoàn Microsoft với GDP của nước ta,  54% là tỷ lệ giá trị của sức sáng tạo so với tổng sản phẩm của cả một dân tộc làm ra trong suốt một năm trời, trong đó tiêu tốn nhân lực, tài lực,  tài nguyên-khoáng sản, ô nhiễm môi trường… nhưng chưa hết, câu hỏi được đặt ra: Đâu là giải pháp bền vững? Mô hình phát triển nào được lựa chọn? Câu trả lời rất dễ nhưng thực thi thì không dễ tí nào, bởi vì những chiếc xe siêu đắt, thiết bị công nghệ siêu sang chỉ một tháng sau khi ra đời là đã có mặt tại Việt Nam và chẳng ai mảy may thắc mắc rằng chúng được đánh đổi bằng những gì?.

Giá trị tinh thần của sáng tạo
Giá trị tinh thần được hiểu là sự kết hợp của tư duy, tri giác, trí nhớ, cảm xúc, ý muốn và trí tưởng tượng. Từ ngày xa xưa, con người đã phát hiện ra những hoạt chất từ thiên nhiên có tính năng tăng cường trao đổi chất trong cơ thể, chống oxy hóa, kích thích hoạt động trí não… của café, trà, thuốc lá, lá trầu không, hạt Cola và một số trái cây lên men, sau này người ta tổng hợp được những thành phần hóa dược như Amphetamin có tác dụng an thần, giảm đau… Như vậy, sáng tạo không phải là đặc quyền của bất kỳ của một cá nhân nào mà bằng nhiều phương pháp chúng ta có thể làm cho mình trở nên thông minh và uyên bác hơn. Do đó, “Khơi nguồn sáng tạo” câu khẩu hiệu (slogan) của một doanh nghiệp kinh doanh cafe Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, vừa có tính khoa học lại vừa tạo hiệu ứng kinh doanh.
Văn minh được định nghĩa là trạng thái tiến bộ về cả hai mặt vật chất và tinh thần của xã hội loài người, tức là trạng thái phát triển cao của nền văn hóa. Điểm qua hoạt động trong tất cả các lĩnh vực: Âm nhạc, hội họa, kiến trúc, sân khấu, điện ảnh …  có thể phát biểu chính xác rằng: “Hoạt động nghệ thuật chính là hoạt động sáng tạo. Có văn minh là nhờ có sáng tạo”. Một trong những ngành có khoa học  nghệ thuật có lịch sử phát triển sớm  và tồn tại lâu nhất phải kể đến, đó là ngành kiến trúc- điêu khắc, ngay từ thế kỷ thứ IV TCN, nền văn minh Ai Cập cổ đại đã đạt đến trình độ rất cao trong kiến trúc, các công trình đền thờ, miếu mạo, cầu đường…  đặc biệt nhất là Kim tự tháp và tượng cổ Sphinx (nhân sư). Những công trình vĩ đại này, trải qua 5000 năm đến nay vẫn tồn tại, chỉ nhờ sức người và tính sáng tạo họ đã đưa những khối đá nặng đến 30 tấn lên độ cao 60m. Niềm tự hào và giá trị tinh thần của người dân Ai cập về những công trình này thể hiện qua câu nói “Tất cả đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim tự tháp”.
Một trong những hoạt động tinh thần của con người đó là được tín ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật và giải trí. Xuyên suốt qua các thời đại, sự tiến hóa, kế thừa, trao đổi, du nhập, học tập… của tất các lãnh vực đều có sự góp mặt của sáng tạo, điều này lý giải cho sự phù hợp với niềm tin nhưng mặt khác nó xuất phát  từ  tinh thần tự do, phá vỡ những ràng buộc của những quy chuẩn xã hội, nhưng trên hết là tình yêu cái đẹp, sự thấu cảm về mỹ thuật.

…. Giải pháp mới, giá trị mới.
Thế giới quan của sáng tạo khi phân tích cụ thể là nhằm đi đến sự tiến hóa, thay đổi, đa dạng và hướng tới phát triển. Khi tiếp cận bất kỳ quan điểm nào, nền tảng bền vững của nó phải là sự phù hợp và tất nhiên tính chất phù hợp đó cũng sẽ thay đổi. Các quy luật phát triển  xã hội cũng thế, đó chính là việc giải quyết các mối quan hệ có tính đến hài hòa mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư trong thời đại đó. Từ những giá trị tinh thần mang yếu tố tâm linh cao sang như Tôn giáo khi du nhập vào Việt Nam cũng đã phải thay đổi cho đến nhân sinh quan dưới dạng phồn thực như tô Bún bò khi từ miền Trung vào đến Miền Nam, hương vị cũng hoàn toàn khác hẳn.
Tóm lại, sáng tạo là tìm ra giải pháp nhưng giải pháp đó phải mang lại giá trị nhất định làm tăng thêm tri thức, tiến bộ và quan trọng nhất là hạnh phúc của loài người.

Nguồn: copy